– Cris, đấy có phải vì cuộc thử nghiệm ấy không?
Tôi giật mình khi nghe giọng nói của Hari. Đã vài giờ tôi nằm không ngủ, mắt nhìn vào bóng tối, hoàn toàn một mình. Tôi thậm chí không nghe thấy cả tiếng thở của Hari, quên hẳn cô.
– Cái gì? Sao em biết anh không ngủ?
– Bởi vì em nghe tiếng anh thở… – Cô nói nhỏ, vẻ như có lỗi. – Em không muốn làm phiền anh. Nếu không thể thì đừng nói…
– Không, tại sao lại không thể. Đúng, đó là vì cuộc thử nghiệm. Em đoán đúng.
– Họ mong muốn gì ở nó?
– Chính họ cũng không biết. Đại khái là cái gì đó mơ hồ. Chiến dịch này không thể gọi là “Ý nghĩ” mà là “Tuyệt vọng”, mới đúng. Bây giờ cần một người có đủ can đảm nhận lãnh trách nhiệm về mình. Nhưng đây là thứ can đảm mà đa số coi là hèn nhát, bởi vì đó là sự lùi bước, thỏa hiệp, chạy trốn, là không xứng đáng với con người. Nó giống như là làm một người bị sa lầy, làm bị sặc và dìm chết trong một cái gì đó mà anh ta không hiểu ta sẽ không bao giờ hiểu được.
Tôi dừng lại. Nhưng trước khi nhịp thở trở lại bình thường thì một đợt sóng phẫn nộ khác lại trào lên trong tôi.
– Họ nói rằng, thậm chí nếu cuộc tiếp xúc không thành công đi nữa thì nhờ nghiên cứu cái cấu trúc sống đồng bóng này chúng ta sẽ hiểu được bí mật của cấu tạo vật chất. Điều đó là giả dối, chẳng khác nào chuyện đi vào một thư viện chứa toàn những sách viết bằng thứ tiếng xa lạ. Sao lại có thể như vậy được cơ chứ?
– Cris, còn có những hành tinh như thế này trong vũ trụ nữa không?
– Không rõ. Có thể có, nhưng chúng ta mới chỉ biết có một. Dù sao đây cũng là một trường hợp rất hiếm, khác hẳn với Trái đất. Chúng… chúng ta là những sinh vật bình thường của Thiên hà và lấy làm tự hào bởi sự bình thường đó. Còn những thế giới khác? Chúng ta bay tới những nơi xa lắc xa lơ để tìm kiếm chúng. Chúng ta chinh phục họ hay bị họ chinh phục – người ta chẳng nghĩ tới một điều gì khác. Mà thôi, chẳng thèm bận tâm làm gì.
Tôi đứng dậy và sờ soạng tìm trong tủ hộp thuốc ngủ.
– Anh ngủ đây, em yêu. Anh cần phải ngủ.
Buổi sáng, tỉnh dậy khỏe khoắn và tỉnh táo, tôi cảm thấy cái thí nghiệm kia chỉ là trò vặt vãnh, không đáng quan tâm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao hôm qua tôi lại có thể làm nó trở nên quan trọng hóa đến thế. Việc Hari phải cùng tôi tới phòng thí nghiệm cũng không làm tôi lo lắng. Tôi thấy không cần thiết làm theo đề nghị của Hari là hãy nhốt cô một mình trong phòng, nếu như tôi cảm thấy cần phải như vậy. Tôi bảo Hari cầm theo một quyển sách nào đó để đọc cho đỡ buồn.
Hình như do sự tò mò có chủ ý nên vừa bước vào phòng thí nghiệm tôi đã nhận ra ngay dấu vết của những cuộc vật lộn diễn ra cách đây không lâu mà do vội vã nên người ta không kịp xóa hết: trên tường đôi chỗ có những vết hoen bẩn, mấy cái hòm ọp ẹp như bị đập phá một cách cố tình, tủ thì có chiếc bay đâu mất cánh cửa, chiếc khác thì lại có một lỗ hổng to tướng và một vết nứt toác kỳ dị.
Snaut khẽ nghiêng mình chào Hari, nét mặt thể hiện vẻ điềm tĩnh dường như coi việc Hari có mặt ở đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Khi ông đang tẩm dung dịch sinh lý vào trán và thái dương tôi thì Sartorius bước vào phòng từ một cửa ngách. Ông mặc áo bờ lu trắng, trước ngực là cái yếm bảo vệ màu đen dài tới mắt cá chân. Ông ta chào hỏi tôi cứ như thể chúng tôi là hai cộng sự của một viện nghiên cứu lớn trên Trái đất và chỉ mới tạm biệt nhau hôm qua.
Hai tay khoanh trước ngực, Sartorius đang nhìn Snaut kẹp các điện cực trên đầu tôi bằng một dải băng. Hình như ông cố tình không nhận thấy sự có mặt của Hari. Lúc này cô đang ngồi trên một chiếc ghế nhỏ kê sát tường, làm ra vẻ đang đọc sách, trông khép nép, xo ro và tội nghiệp làm sao. Snaut lùi ra khỏi chiếc đi văng của tôi và đi tới bên máy. Tôi vừa mới ngúc ngoắc cái đầu nặng nề bởi các điện cực bằng kim loại để dòm xem Snaut bật mở thiết bị như thế nào thì bỗng thấy Sartorius vung tay lên và nói bằng một giọng hào hứng:
– Tiến sĩ Kelvin, mong ông chú ý. Tôi không có ý định ra lệnh cho ông, bởi vì cái cung cách đó sẽ không mang lại kết quả mong muốn, mà chỉ đề nghị ông hãy chấm dứt nghĩ về mình, về tôi, về đồng nghiệp Snaut và về những người khác để có thể loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên. Ông hãy tập trung suy nghĩ về những việc mà vì nó chúng ta có mặt tại đây. Trái đất và Solaris, các thế hệ những nhà nghiên cứu và mục đích thống nhất của họ, sự bền bỉ của chúng ta trong những nỗ lực nhằm thiết lập sự giao lưu trí tuệ, chiều dài của con đường lịch sử mà loài người đã đi qua và lòng tin vào sự kéo dài tất yếu của nó về phía trước, tinh thần sẵn sàng chịu đựng gian khổ và bất kỳ sự hy sinh cá nhân nào cho sứ mạng của chúng ta – đó chính là những đề tài mà ông cần nạp vào ý thức của mình lúc này. Tất nhiên, luồng ý nghĩ không phụ thuộc trọn vẹn vào ý muốn của ông, bởi vậy, trong quá trình làm việc nếu như có một lúc nào đó ông cảm thấy ý nghĩ của mình đã đi chệch hướng thì hãy thông báo cho chúng tôi biết, để đồng nghiệp Snaut ghi lại. Chúng ta có đủ thời gian…
Những lời cuối cùng của Sartorius nói nhỏ, với nụ cười mỉm nhợt nhạt khô khốc và ánh nhìn sắc như dao.
Tôi cảm thấy ngột ngạt trước dòng thác những câu nói trang trọng thái quá của ông ta. May thay, Snaut đã lên tiếng chen vào khoảng trống kéo dài.
– Có thể được chứ, Cris? – Ông hỏi, tay đặt ở tư thế sẵn sàng trên bàn điều khiển của thiết bị ghi. Tôi thấy biết ơn ông ta đã gọi tôi bằng tên rất đúng lúc.
– Có thể, – tôi nói và nhắm mắt lại.
Qua làn mi của đôi mắt khép hờ tôi nhìn thấy ánh sáng hồng hồng của những bóng đèn trên pa nen thiết bị bóng lên. Cảm giác khó chịu bởi cái lạnh và ẩm trên đầu đã biến mất. Tôi cảm thấy thư thái hơn.
Tôi thấy mình đang ở trên một cái sân khấu xám xịt, không được chiếu sáng. Quan sát cái khoảng trống không đó là một đám khán giả vô hình, hư ảo, nhấp nhô cao dần theo các bậc dốc của hí trường. Không khí yên lặng đến căng thẳng bao trùm khắp xung quanh. Tình cảm phát sinh, lớn dần rồi ngự trị trong sự im ắng đó là nỗi khinh khi, mỉa mai đối với Sartorius và cái sứ mạng mà ông ta nói tới. Sự căng thẳng nội tại yếu dần nhường chỗ cho một nỗi ưu tư khó hiểu. “Hari?” – Tôi thận trọng nghĩ tới cô với nỗi lo lắng mơ hồ làm cho tôi chỉ muốn rút lui ngay vào hậu trường. Không thấy đám cử tọa đầy cảnh giác và mù quáng của tôi lên tiếng phản đối. Có một lúc tôi nghẹn ngào nghe lòng mình trào dâng những tình cảm xót thương và độ lượng, đức sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh. Hari tràn ngập trong tôi không hình, không bóng, không mặt mũi. Rồi bỗng nhiên, xuyên qua cái hình ảnh không bản sắc, đa cảm đến tuyệt vọng của cô, từ bóng tối hiện lên mỗi lúc một huy hoàng hình ảnh của Heze, người cha của ngành Solaris học. Khuôn mặt của ông rất giống cha tôi không phải bằng đường nét mà ở cái vẻ đầy lương tri và tận tụy làm cho tôi không hiểu ai trong số họ đang nhìn mình. Cả hai đều chết không có mồ chôn – chuyện thường tình trong thời đại của chúng ta, không làm ai phải bận tâm nhiều.
Hình ảnh đó rồi cũng biến mất. Lúc này tôi quên hết tất cả, từ trạm cho đến cuộc thí nghiệm, cả Hari lẫn cái đại dương tối đen kia. Đột ngột như một làn chớp, trong đầu tôi lóe lên niềm tin tưởng về sự không tồn tại của hai kẻ kia, họ trở nên bé nhỏ một cách kinh khủng, đã biến thành một nắm di hài, tuy nhiên, như có ma thuật, họ có thể làm được tất cả mọi chuyện trên đời. Và sự phát hiện này đã làm tan biến không gian yên tĩnh trong hí trường, thổi tan cái đám đông không hình thù đang bao quanh sân khấu màu xám, im lặng chờ đợi tôi gục ngã.
Nghe tiếng ngắt máy, tôi mở bừng mắt. Sartorius vẫn đứng trong tư thế cũ và đang nhìn tôi thăm dò. Còn Snaut thì vẫn đang loay hoay bên máy.
– Ông nghĩ sao, tiến sĩ Kelvin? Tất cả diễn ra đúng như chương trình chứ? – Sartorius hỏi.
– Đúng thế.
Câu trả lời cộc lốc, hơi sỗ sàng của tôi làm ông ta mất đi cái dáng vẻ quan trọng, lạnh lùng.
– Vậy thì… rất tốt, – ông lẩm bẩm và nhìn quanh như không biết phải làm gì với tôi bây giờ.
Snaut tiến lại gần và bắt đầu tháo dải băng kẹp các điện cực trên đầu tôi.
Tôi đứng dậy và đi đi lại lại trong phòng. Sartorius biến vào trong cái cửa ngách và một lát sau đã quay trở lại với đoạn phim đã hiện và sấy khô. Những đường ghi run rẩy mấp mô chạy dọc suốt mười lăm mét phim.
Không còn việc gì để làm nữa, nhưng tôi chưa muốn đi vội. Các đồng nghiệp của tôi cuốn đoạn phim vào casset của mô đun điều biến. Tôi để ý thấy Sartorius còn nấn ná xem lại đoạn cuối của bản ghi, mày nhíu lại vẻ nghi hoặc, dường như ông đang cố khám phá xem những đường biểu diễn run rẩy đó nói lên điều gì.
Sau đó họ đi tới bảng điều khiển và phát động thiết bị bức xạ. Có tiếng ù ù nhỏ vang lên. Các vệt lửa trong những cột thủy tinh của đồng hồ báo chạy thẳng tắp xuống dưới. Đó là dấu hiệu của việc đầu phát rất lớn của thiết bị bức xạ rơnghen đã hạ xuống phía dưới theo một đường ống thẳng đứng và đang trong tư thế sẵn sàng bắn các chùm tia xuống bề mặt đại dương. Sartorius bắt đầu gia tăng điện áp cho tới khi mũi tên sáng trên đồng hồ đạt tới chỉ số bằng một nửa giá trị cho phép. Cùng lúc, ông đưa tay ra hiệu và Snaut bắt đầu cho chạy băng phim ghi điện não của tôi.
Tiếng tích tắc của máy chỉ thị độ dài phần phim cuốn vào bô bin nghe y như tiếng của một chiếc đồng hồ báo thức.
Hari đảo mắt liên tục, khi sang tôi, khi sang họ. Cuộc thử nghiệm đã kết thúc. Tôi đi tới bên cô.
– Chúng ta đi chứ? – Hari hỏi bằng ánh mắt, môi hơi mấp máy.
Tôi gật đầu. Cô đứng dậy. Không chào tạm biệt ai – cử chỉ đó thật vô nghĩa lúc này, – chúng tôi bước ra khỏi phòng.
Ráng chiều bồng bềnh đẹp tuyệt vời bên ngoài các cửa sổ hành lang. Không giống chút nào với cái màu đỏ rực thê lương của những buổi hoàng hôn khác, vẻ đẹp hôm nay thật khác thường: không gian óng ánh sắc hồng huyền ảo như được rắc đầy những hạt bạc nhỏ li ti. Dường như để tỏ ra rằng mình cũng biết thưởng thức sắc đẹp thần tiên đó, đại dương đáp lại bằng màu tím nhạt lóng lánh trên toàn bộ bề mặt yên ả và trải dài vô tận của nó.
Tôi bỗng dừng lại ở lưng chừng cầu thang. Nghĩ đến chuyện phải trở lại căn phòng như cái nhà ngục, không nhìn thấy gì ngoài đại dương mà tôi phát sợ.
– Hari, – tôi nói, – anh muốn vào thư viện… Em không phản đối chứ?
– Ồ hay quá, em sẽ tìm đọc cái gì đó, – Hari đáp lại bằng một giọng hồ hởi hơi cường điệu.